Hà Nội dự kiến có thêm 30.000 căn nhà ở xã hội
Thành phố đã bổ sung khoảng 15 khu đất quy mô lớn để đầu tư dự án nhà ở xã hội độc lập với khoảng 2.000 căn mỗi khu.
Thông tin trên được Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà xã hội giai đoạn 2015-2023.
Theo chỉ tiêu được giao tại đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà xã hội của Chính phủ, đến năm 2025, Hà Nội phải hoàn thành 18.700 căn hộ. Đến nay thành phố có 30 dự án đã hoàn thành với gần 1,7 triệu m2 sàn và 58 dự án đang triển khai với gần 60.500 căn. Ngoài ra còn có quỹ đất 20%, 25% xây nhà xã hội tại 83 ô đất xây nhà ở thương mại, khu đô thị.
Ông Tuấn cho biết thành phố đã bổ sung 15 khu đất mới quy mô lớn để đầu tư các dự án nhà xã hội tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật – xã hội. Trong đó có 2-3 khu xây nhà ở công nhân gần các khu công nghiệp. Mỗi khu đất dự kiến phát triển khoảng 2.000 căn, tổng 30.000 căn. Vừa qua, thành phố cũng phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án nhà xã hội độc lập với khoảng 1 triệu mét vuông sàn, chuẩn bị đấu thầu chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá việc triển khai các dự án nhà xã hội, nhà ở công nhân “còn chậm”. Lý do là quy hoạch bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của thành phố. Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc phân khúc này rất thấp so với quy mô dự án do bị khống chế về quy mô dân số. Chưa kể, cơ chế, chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn doanh nghiệp và người dân tham gia. Thủ tục lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian…
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiến nghị cần thống nhất chỉ có một loại nhà, không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại để “người dân được tiếp cận như nhau về chất lượng và dịch vụ”.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phản hồi, chất lượng nhà ở xã hội phải bảo đảm quy chuẩn chung về nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành nhưng “giá nhà thấp hơn”. Ông Nghị cho biết những vướng mắc về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà xã hội của Hà Nội đã được Bộ ghi nhận, bổ sung báo cáo giải trình với Đoàn giám sát.
Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị TP Hà Nội khẩn trương hoàn thiện hai nhiệm vụ quy hoạch của Thủ đô, báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn.
“Đây là lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngọc Diễm